Tố Hữu được tôn vinh với nhiều danh hiệu xứng đáng: nhà cách mạng lão thành, nhà hoạt động chính trị xuất sắc, nhà thơ cách mạng lớn nhất của đất nước ở thế kỷ 20, nhà thơ lớn của dân tộc, nhà thơ lớn của thời đại.

Vào dịp lễ tưởng niệm 100 ngày mất của Tố Hữu, cuốn Tố Hữu sống mãi trong lòng nhân dân và đất nước (1) được ra mắt bạn đọc cả nước. Tiếp đó, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia biên soạn và cho xuất bản cuốn sách dày dặn 768 trang Tố Hữu – người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng. Sẽ còn biết bao trang viết nữa trong ngày hôm nay và mai sau về sự nghiệp hoạt động cách mạng và sự nghiệp thơ văn của Tố Hữu.

Với tư cách một bạn đọc văn chương, một thầy giáo dạy văn, tôi rất tâm đắc với vinh danh cao quý này: Tố Hữu – người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Võ Nguyên Giáp – Mãi mãi nhớ anh Tố Hữu) (2). Bởi trong người học trò ấy có bóng dáng của người thầy vĩ đại. Nói cách khác, qua người học trò ta thấy được ánh sáng của người thầy hiền minh, siêu việt. “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Là một trong những nhà thơ – nghệ sĩ được gần Bác nhất trong gần suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và hoạt động văn nghệ, Tố Hữu đã ngày càng tiếp cận đối tượng thẩm mỹ kỳ vĩ, đã tự nâng mình lên mãi. Và như vậy cũng là quá trình tự thanh lọc để có thể viết được những câu thơ hết sức hiện thực mà “bay bổng diệu kỳ”: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta. Ta bỗng lớn ở bên Người một chút…”. Tố Hữu cũng là một trong những người học trò tiếp thụ một cách xuất sắc tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh để biến hóa tinh anh Hồ Chí Minh thành hồn thơ cùng với cốt cách tinh thần của bản thân mình:

Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn

Và tình thương, ơn nghĩa bao la

(Theo chân Bác)

Những nhà nghiên cứu văn học, những nhà thơ khi muốn khai thác sâu xa vào một phẩm chất cao đẹp nào đấy thường nhấn mạnh, đặc tả chân dung. Tô Hoài coi Tố Hữu xứng đáng là “Ngôi sao sáng nhất trong bầu trời thơ ca cách mạng Việt Nam thế kỷ 20”. Với Nguyễn Ðăng Mạnh thì Tố Hữu được mệnh danh là “Nhà thơ của lẽ sống cách mạng”, “Nhà thơ của Tổ quốc Việt Nam”, là “Hồn thơ dân tộc” (Nhà thơ Việt Nam hiện đại. Chân dung và phong cách – Văn học, Hà Nội, 2003).

Dưới góc độ của lý tưởng cách mạng, tôi muốn tôn vinh Tố Hữu như nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn và suy nghĩ sâu xa về nhà thơ – chiến sĩ với cái tâm, cái trí lớn lao.

Hiển nhiên, Tố Hữu trước hết đã là một chiến sĩ cách mạng kiên cường đầy dũng khí. Ông đã phấn đấu suốt đời, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng cao đẹp đã lựa chọn.

Con người ấy từ tuổi thanh niên đã “quăng thân vào gió bụi” của cuộc đời chiến đấu đầy gian lao, hiểm nguy, đã chịu tù đày, đã giáp mặt với cái chết. Người thanh niên cộng sản dần càng thấu hiểu thế nào là trường tranh đấu.

Ðời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề tận cổ, súng kề tai

Là thân sống chỉ coi còn một nửa

(Trăng trối)

Từ ấy là tiếng hát chiến đấu của người thanh niên cộng sản, là “bó hoa lửa” đầu tiên trong đời nhà cách mạng – thi sĩ Tố Hữu.

Là người hành động, Tố Hữu nêu gương nhà thơ nhập cuộc dấn thân tích cực.Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Tố Hữu đã vào bộ đội và lăn lộn thật sự như người lính.

Bà Vũ Thị Thanh, người vợ thương yêu đã kể lại những kỷ niệm về những ngày ấy: “Vào khoảng năm 1949, anh tòng quân cùng các anh văn nghệ sĩ và sau nhiều lần hành quân tham gia chiến đấu cùng bộ đội trong chiến dịch Tây Bắc, anh bị thổ huyết nặng” (Vô cùng thương nhớ Anh…)(3).

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều lần nhà thơ đã vào tuyến lửa và mang về những “chùm hoa thơ nóng bỏng” góp phần đốt cháy lên ngọn lửa anh hùng cách mạng rực rỡ của con người dân tộc – dũng sĩ trong thời đại. Dù đã ở tuổi khá cao, năm 1973, không quản ngại gian lao, nguy hiểm, Tố Hữu vẫn làm cuộc hành hương vào chiến trường miền nam, dọc theo tuyến Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh để làm nên những câu thơ hùng tráng và bi tráng nữa về tiền tuyến lớn có sức lay động đến toàn quân:

Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang

Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng.

Trường Sơn, vượt núi, băng sông

Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa.

(Nước non ngàn dặm)

Tố Hữu đã sống đời người chiến sĩ thực thụ. Rất có thể vượt qua hoặc sẽ nằm lại vĩnh viễn nơi tiền tuyến vô vàn ác liệt ấy.

Dũng khí của Tố Hữu không chỉ là lòng quả cảm trước hiểm nguy của súng gươm, của bom đạn, chết chóc mặc dù hoàn cảnh ấy là thử thách căng thẳng nhất, dữ dội nhất, quyết liệt nhất đối với toàn bộ phẩm chất nhân cách của người chiến sĩ: chiến đấu hay đầu hàng, chết vinh hay sống nhục, anh hùng hay hèn nhát.

Dũng khí của nhà thơ chiến sĩ thể hiện ở toàn bộ cuộc đời bền bỉ, kiên định đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng.

Xin trích dẫn đôi lời tiễn biệt:

“Gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, ở mọi cương vị và mọi lĩnh vực công tác, dù được giao bất kỳ nhiệm vụ gì, đồng chí Tố Hữu cũng hoàn thành xuất sắc, một lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường của người đảng viên cộng sản trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của Ðảng và nhân dân ta” (Lời điếu trong Lễ tang).

Tố Hữu là một trong những nhà lãnh đạo từng gánh trên vai trọng trách của cuộc đấu tranh lịch sử hết sức lâu dài, khốc liệt nhằm giải phóng dân tộc, giành giữ độc lập, tự do trong thế kỷ 20, một “thế kỷ đau thương” và anh dũng với bao biến động dữ dội. Chiến sĩ gang thép Tố Hữu đã tự tôi luyện trong lửa đỏ đấu tranh và bão tố của cách mạng.

Sau hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đất nước thống nhất đi vào thời kỳ xây dựng. Bắt đầu một cuộc đấu tranh không kém phần gian nan, vất vả, cực nhọc. Trước kia là cuộc đấu tranh quyết liệt để từ nô lệ đến tự do, từ bóng tối ra ánh sáng, từ khổ đau đến sướng vui. Giờ đây là đấu tranh cam go để từ đói nghèo đến ấm no, từ tụt hậu đến tiên tiến.

Tố Hữu tiếp tục dấn bước trong cuộc đổi thay có tính chất cách mạng mới, góp phần xóa bỏ một cơ chế đã không còn thích hợp với tiến triển trong thời cuộc, vận hội mới. Ông là một trong những người góp phần bước đầu tháo gỡ:

Gỡ lối “bao” xưa, người mọc cánh


(Ðêm cuối năm, 31-12-1981).

Dám chịu trách nhiệm, Tố Hữu góp phần vào những quyết định táo bạo đầy sáng tạo. Ông làm nhiệm vụ của nhóm người gieo hạt cho “một mùa hoa trái” hứa hẹn mai sau đang trở thành hiện thực tốt đẹp ngày hôm nay.

Những năm cuối đời, thấy rõ mặt trái của cơ chế thị trường, Tố Hữu vẫn có tâm sự: “Sẽ càng buồn hơn, nếu những người đứng trên mặt trận này” (mặt trận văn hóa, giáo dục – ÐTH) nhân nhượng trước đồng tiền, buông vũ khí”(4) và vẫn nghĩ về cái dũng khí của người cầm bút: “Người viết có quyền dùng ngòi bút can thiệp vào tất cả những việc nào mà anh ta thấy là cần thiết để đẩy lùi cái xấu, thúc đẩy cái tốt”(5).

Bản thân Tố Hữu dám viết những câu, có thể nói là xót xa nhưng đó là sự thật cuộc đời, không thể không lên án:

Gian tà dám bán rao đạo lý.

Tham nhũng leo thang bậc cửa quyền.

(Xuân 99)

Với Tố Hữu, nhà thơ luôn sống giản dị, thanh bạch, sống vui vì có niềm tin mãnh liệt vào tương lai của sự nghiệp cách mạng. Lạc quan, tin tưởng, kiên định, giữ vững chí khí ngay trong hoàn cảnh như bị bao vây bởi bao bức xúc của cuộc đời, đó cũng là dũng khí của người chiến sĩ đã qua tôi luyện của trăm nghìn lửa đỏ và nước lạnh:

Lòng tôi thanh thản, ung dung

Bão giật, gió rung

Vẫn xanh lá

Như cây tùng

Trên núi đá

Bởi tin yêu là sức mạnh vô cùng!

(Chào năm 2000)

Ðó cũng là tâm thế, là tư thế và khí thế mạnh gót những dặm dài vốn có của Tố Hữu – một nhà thơ – chiến sĩ luôn hăm hở với khúc hát:

Trên đường thiên lý, “ta lại đi”…

—————————–

(1) Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – 2003.

(2) Tố Hữu – người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.

(3) Tố Hữu – người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng. SÐD.

(4) Anh Ðức – Ðầu xuân gặp nhà thơ Tố Hữu. Tố Hữu – Thơ và cách mạng. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996.

(5) Anh Ðức – Ðầu xuân gặp nhà thơ Tố Hữu. Tố Hữu – Thơ và cách mạng. SÐD.

ÐOÀN TRỌNG HUY

(www.nhandan.com.vn)